Ứng dụng giả mạo ChatGPT khiến hàng trăm nghìn người tải nhầm

Ứng dụng giả mạo ChatGPT khiến hàng trăm nghìn người tải nhầm

Theo dòng xu hướng mới nổi của ChatGPT, nhiều ứng dụng trên AppStore và Google Play Store đã cố tình thiết kế giống hệt chatbot trí tuệ nhân tạo này. Những ứng dụng giả mạo này khiến hàng trăm nghìn người nhầm lẫn tải về, trong khi ChatGPT được sử dụng qua trình duyệt website.

“Cần cài đặt ứng dụng nào để sử dụng ChatGPT” là một trong những câu hỏi mà anh Đức Cường, chuyên viên kỹ thuật tại một công ty truyền thông ở Từ Liêm (Hà Nội), thường xuyên nhận được từ khách hàng những ngày qua. Anh Cường thông tin thêm, trong thời điểm ChatGPT trở thành làn sóng mới nổi lên tại Việt Nam vào cuối tháng 1, đa số khách hàng yêu cầu hướng dẫn sử dụng đều nghĩ chatbot này được cung cấp dưới dạng apps, có thể tải về từ kho ứng dụng như AppStore hoặc cửa hàng Google Play.

Thực chất, ChatGPT là một sản phẩm chatbot AI được thiết lập bởi OpenAI và được cung cấp miễn phí khi truy cập vào website chat.openai.com. Tuy nhiên, bước phức tạp nhất đối với người dùng tại Việt Nam đó là khâu đăng ký tài khoản, bởi sản phẩm này chưa hỗ trợ số điện thoại và IP truy cập tại Việt Nam.

Đã có không ít người tò mò đã cài nhầm phần mềm giả mạo, sau đó bị yêu cầu trả phí để sử dụng dù chưa biết tác dụng như thế nào“, Cường nói.

tải nhầm chatgpt giả mạo
Rất nhiều các Apps đặt tên giống ChatGPT trên cửa hàng của Google hiện nay (ảnh tham khảo: VnExpress).

Trên các kho ứng dụng như Play Store và App Store, hàng loạt ứng dụng ăn theo ChatGPT xuất hiện. Khi tìm kiếm với từ khóa “ChatGPT”, người dùng nhận về hàng trăm kết quả với các ứng dụng được đặt tên như: Open Chat GPT AI Bot, ChatGPT – Chat with AI, Aico. Hiện nay, các ứng dụng này đã có từ vài trăm nghìn tới hơn một triệu lượt tải. Những ứng dụng khác cũng nhanh chóng đạt từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn lượt tải chỉ sau vài ngày được phát hành. Phần lớn những ứng dụng giả mạo này hiển thị logo gần giống hoặc nhái lại biểu tượng của OpenAI, đi kèm cách đặt tên có từ khóa rất dễ gây nhầm lẫn, thậm chí có ứng dụng còn ghi trong phần mô tả tự nhân là “ChatGPT của OpenAI”.

Đa số các sản phẩm ứng dụng giả mạo ChatGPT có giao diện sơ sài, hầu hết đều yêu cầu trả phí trước khi sử dụng. “Ứng dụng không hoạt động. Người dùng chưa sử dụng đã yêu cầu trả tiền. Mọi người cẩn thận lừa đảo“, người dùng có tên HuyNg bình luận trên một apps mạo danh ChatGPT kèm đánh giá 1*.

Thế Nam, quản trị viên nhóm hỗ trợ sử dụng ChatGPT, cho biết hàng ngày anh vẫn nhận được những câu hỏi như: “Làm sao cài ChatGPT trên iPhone” hay “Xin đường link tải ứng dụng ChatGPT“… Anh cũng cho biết, trong trường hợp muốn hiển thị dưới dạng ứng dụng trên điện thoại, người dùng có thể tạo shortcut của đường link trình duyệt, hiển thị dưới dạng icon sau đó truy cập từ màn hình chính của điện thoại.

tải nhầm chatgpt giả mạo
Giao diện của một website khác thiết kế “ăn theo” ChatGPT, đáng chú ý là trang này thậm chí còn yêu cầu người dùng nạp tiền để có thể sử dụng (ảnh tham khảo: VnExpress).

“Người dùng cần hiểu OpenAI chưa phát hành ChatGPT dưới dạng ứng dụng. Chatbot này hiện vẫn hoạt động miễn phí qua trình duyệt website. Vì vậy phải thật cân nhắc trước khi trả tiền cho ứng dụng tự giới thiệu là ChatGPT”, anh Nam khuyến nghị.

Để tránh tải nhầm, nhân viên hỗ trợ sử dụng ChatGPT cũng khuyên người dùng cần xem qua phần đánh giá ứng dụng hoặc tên nhà phát triển có chính xác là OpenAI hay không.

Ngày 2/2 vừa qua, ứng dụng có tên ChatGPT (All Languages) do một công ty viết phần mềm Việt đã bị xóa khỏi cửa hàng Google Play. Hôm 10/1, AppStore cũng đã xóa phần mềm ChatGPT Chat GPT AI With GPT-3 sau khi ứng dụng này đạt hàng trăm nghìn lượt tải và yêu cầu 8 USD cho mỗi tuần sử dụng hoặc 50 USD cho thuê bao một năm. Các chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo cũng kẻ gian có thể lợi dụng cơn sốt ChatGPT để tấn công người dùng thông qua việc dẫn dụ tải phần mềm giả mạo, nhằm lừa đăng ký thuê bao hoặc chèn mã độc đánh cắp thông tin.

Leave your thought here