Đầu tư cho nghiên cứu phát triển, CMC hướng đến các công nghệ lõi
30/05/2023 2023-08-15 9:31Đầu tư cho nghiên cứu phát triển, CMC hướng đến các công nghệ lõi
Đầu tư cho nghiên cứu phát triển, CMC hướng đến các công nghệ lõi
Là một trong những đơn vị “trẻ nhất” Tập đoàn Công nghệ CMC, Viện Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ CMC đã có bước chuyển mình lớn khi xây dựng được 20 công nghệ lõi, từ đó phát triển ra được hệ sinh thái AI phục vụ cho chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Trung Chính – Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC, Giám đốc Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC ATI cho biết: “CMC xác định rất rõ tầm quan trọng của mô hình viện nghiên cứu trong tập đoàn. CMC ATI là nòng cốt, là hạt nhân cho công nghệ lõi, công nghệ của tương lai; đồng thời tạo ra nguồn nhân lực nghiên cứu ứng dụng chất lượng cao cho CMC nói riêng và cho khát vọng hùng cường của Việt Nam nói riêng”.
Chia sẻ về thời điểm ra đời của Viện Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ, TS Đặng Minh Tuấn – Viện trưởng CMC ATI cho biết, công tác R&D được tập trung hoá và đầu tư mạnh mẽ từ hơn 10 năm trước. Viện Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ CMC (CMC ATI) ra đời từ 2014 là hiện thực hoá cho mục tiêu này của CMC.
TS Tuấn dẫn câu slogan của CMC là “Aspire to Inspire the Digital World” (Khát khao chinh phục thế giới số) và khẳng định quan điểm làm công nghệ chỉ có thể thắng bằng công nghệ. Muốn thắng bằng công nghệ thì phải thuộc nhóm dẫn đầu mới có thể cạnh tranh. Và muốn nằm trong nhóm dẫn dầu thì phải đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D).
Hạt nhân dẫn dắt chiến lược phát triển công nghệ kỹ thuật
“Điểm đặc biệt của CMC là công ty chỉ tập trung vào công nghệ thông tin viễn thông chứ không làm các lĩnh vực khác. Các công ty thành viên hoạt động chuyên vào những mảng khác nhau và có bộ phận nghiên cứu phát triển riêng. Trong quá trình phát triển có hiện tượng nghiên cứu bị trùng nhau. Ngoài ra, mỗi công ty thành viên không thể đầu tư bộ phận R&D quá lớn dẫn những nghiên cứu nhỏ lẻ”, TS Tuấn chia sẻ.
Từ thực trạng trên, CMC đã thành lập CMC ATI với sứ mệnh nghiên cứu những sản phẩm dịch vụ công nghệ cao, công nghệ mới để chuyển giao cho các công ty thành viên thương mại hoá. Đồng thời xây dựng hình ảnh, thương hiệu về năng lực công nghệ mới, công nghệ cao cho CMC.
“Sản phẩm nghiên cứu của CMC ATI không chỉ là những nghiên cứu, bài báo. Mục tiêu của chúng tôi tập trung vào các sản phẩm ứng dụng”, TS Đặng Minh Tuấn nhấn mạnh.
Cùng với đó, CMC ATI hướng tới những phần mềm sản phẩm, dịch vụ hoàn chỉnh thay vì dừng lại ở công bố có khả năng thương mại. Từ nghiên cứu, làm ra sản phẩm hoàn chỉnh, CMC ATI đặt mục tiêu thương mại hoá để cọ xát thị trường, lấy thu bù chi, hướng tới tự chủ tài chính…
Về sản phẩm, Viện trưởng CMC ATI nhấn mạnh định hướng nghiên cứu các công nghệ lõi, công nghệ mới, công nghệ cao phục vụ cách mạng công nghệ 4.0 cũng như phục vụ quá trình chuyển đổi số 4.0.
Theo TS Đặng Minh Tuấn, chỉ trong vài năm qua, CMC ATI đã có bước chuyển mình lớn khi xây dựng được 20 công nghệ lõi, từ đó phát triển ra được hệ sinh thái AI phục vụ cho chuyển đổi số. Cùng với đó là xây dựng được nền tảng để xử lý dữ liệu lớn (Big Data), xây dựng được những giải pháp cho IoT, nền tảng security và blockchain.
Làm công nghệ phải thắng bằng công nghệ
Theo TS Đặng Minh Tuấn, công nghệ nhận diện khuôn mặt dựa vào trí tuệ thông minh (AI) của CMC ATI là sản phẩm tiêu biểu cho quan điểm “làm công nghệ thì phải thắng bằng công nghệ”.
“Sản phẩm đã được ứng dụng tại UBND TP Hà Nội, Bệnh viện Vinmec, Bộ Tài nguyên & Môi trường, Uỷ ban Dân tộc và Miền núi… phục vụ nhận diện khuôn mặt để nhận diện ra vào, chấm công, nhận diện khách VIP…”, TS Tuấn thông tin.
Đại diện CMC ATI cho biết có rất nhiều đơn vị trong nước triển khai dịch vụ này nhưng điểm làm nên sự khác biệt cho sản phẩm của Viện chính là độ chính xác và tốc độ nhận diện cao.
“Sản phẩm của CMC ATI có thể nhận diện khuôn mặt trên dữ liệu 160 triệu ảnh trong khoảng thời gian chỉ khoảng 2 giây. Đây là sự khác biệt lớn nhất”, TS Tuấn nhấn mạnh.
Theo đó với khả năng xử lý dữ liệu 160 triệu ảnh, nếu sản phẩm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì có thể nhận diện được toàn bộ dân số Việt Nam. Điều này rất có ích tại các cửa khẩu, khu vực check in tại sân bay… với yêu cầu nhận diện tốc độ cao trên dữ liệu lớn.
Ngoài nhận diện khuôn mặt, sản phẩm của CMC ATI cũng có thể nhận diện các hành vi bất thường nếu có người bị ngã, xô xát ẩu đả hay phát hiện những đặc điểm nhận dạng, tuổi tác giới tính cũng như có thể tìm kiếm, cảnh báo những đối tượng nguy hiểm…
Bên cạnh đó, theo TS Tuấn, sản phẩm giúp chuyển đổi văn bản in, viết tay, bảng excel phức tạp… thành tài liệu số cũng là một niềm tự hào khác của CMC ATI. Nhóm nghiên cứu AI của CMC ATI đã nhận cú đúp giải thưởng tại cuộc thi Xử lý ngôn ngữ và tiếng nói tiếng Việt – VLSP 2022 (Vietnamese Language and Speech Processing) cuối năm 2022 vừa qua.
Ngoài ra, CMC ATI cũng đang có giải pháp “lắng nghe mạng xã hội” giúp các công ty sớm phát hiện khủng hoảng truyền thông, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, phát hiện các xu hướng..
“Như với Công ty Đất Xanh, giải pháp của CMC ATI giúp thu thập mọi thông tin về bất động trên mạng xã hội, các sàn giao dịch từ đó phân tích, tổ chức lại thành 5 triệu mục tin về bất động sản”, TS Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài ra, tại Hội thi Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo năm 2022 với giải pháp số hóa, chuyển đổi số toàn diện văn bản, hồ sơ giấy tờ dạng ảnh C-OCR, CMC ATI dành vị trí Top 1. Nhóm nghiên cứu gồm 24 thành viên của Viện Nghiên cứu Ứng dụng Công nghệ CMC cũng thực hiện thành công đề tài “Xây dựng bản đồ công nghệ và lộ trình đổi mới công nghệ trong việc phát triển và ứng dụng IoT tại Việt Nam”.
Mảnh đất của sự sáng tạo
Nói về định hướng phát triển CMC ATI, Viện trưởng Đặng Minh Tuấn cho rằng con người là yếu tố cốt lõi: “Tại CMC ATI, chúng tôi tạo dựng một môi trường nhân viên có thể phát triển hết khả năng, có thể tiếp thu học hỏi được những kiến thức, kỹ năng chứ không phải thuần tuý về đầu ra. Chúng tôi luôn hướng tới mục tiêu biến CMC ATI trở thành “mảnh đất” của sự sáng tạo”, Viện trưởng Đặng Minh Tuấn chia sẻ.
Ngoài ra, TS Tuấn nhấn mạnh sự chủ động trong việc học và giải quyết vấn đề của mỗi nhân viên. Công nghệ thông tin thay đổi hàng ngay nên nhân viên phải tự học kiến thức mới và giải quyết vấn đề mới. Dám đương đầu với những thách thức, đặt ra những mục tiêu để mình vượt qua.
“Có những dự án chúng tôi không lãi nhiều nhưng cảm thấy rất tự hào khi có thể vượt qua những đối thủ được đầu tư lớn, những đối thủ đến từ ngoài. Đôi khi vật chất không phải là tất cả mà đó là niềm tự hào cũng như sự được ghi nhận”, Viện trưởng CMC ATI khẳng định.
Được thành lập năm 2014, CMC ATI đã và đang trở thành điểm tựa công nghệ trong chiến lược phát triển Trường Đại học CMC trở thành đại học thông minh, đại học số (Digital University) đầu tiên ở Việt Nam cũng như là môi trường để sinh viên, giảng viên Trường Đại học CMC tiến hành các hoạt động nghiên cứu, thực hành.